Những ngộ nhận của cha mẹ về học song ngữ ở trẻ – Đâu mới là cái nhìn đúng? (Phần 2)

Link bài viết phần 1 tại đây nếu bạn chưa đọc kịp nhé.

Ngộ nhận #5: Trẻ sẽ bị loạn ngôn ngữ nếu học hai ngôn ngữ từ lúc bé.

Thực tế là trẻ học song ngữ đều sẽ trải qua giai đoạn dùng lẫn hai ngôn ngữ và điều này là hoàn toàn bình thường.

Hầu hết cha mẹ lo rằng trẻ sẽ bị nhầm lẫn khi sử dụng hai ngôn ngữ khi giao tiếp. 

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay từ khi mới sinh, não trẻ đã có thể phân biệt lên tới 800 thanh âm khác nhau. Điều này có nghĩa là ngay từ khi mới sinh, trẻ có thể học bất cứ ngôn ngữ nào. Bởi thế, trẻ hoàn toàn có thể dễ dàng phân biệt hai hay nhiều ngôn ngữ.

(Nguồn ảnh: Unplash)

Việc dùng lẫn hai ngôn ngữ khi nói là một giai đoạn phát triển tự nhiên mà trẻ song ngữ nào cũng sẽ gặp và thường kết thúc trước khi trẻ đến tuổi đi học. Đây cũng không hề là một vấn đề quá nghiêm trọng theo bất cứ cách nào về lâu dài.

Thay vì lo lắng cần phải rạch ròi giữa hai ngôn ngữ, cha mẹ hãy quan tâm tới chất lượng và số lượng ngôn ngữ đầu vào cho trẻ, để đảm bảo đầu vào của hai ngôn ngữ là ngang bằng nhau.

Trẻ sinh sống ở Việt Nam tiếp xúc với Tiếng Việt khá nhiều, do đó cha mẹ hãy tìm cách tăng cường cho trẻ tiếp xúc Tiếng Anh tại nhà. Đối với cha hoặc mẹ đã có khả năng giao tiếp Tiếng Anh cơ bản, bạn có thể phân vai – một người một ngôn ngữ – khi học tập và giao tiếp với con thông qua các hoạt động hàng ngày. Với những cha mẹ có vốn tiếng Anh còn hạn chế, có thể quy định khung thời gian cố định trong ngày cả nhà sẽ cùng nhau sử dụng Tiếng Anh thông qua các hoạt động nghe đọc truyện, hát các bài hát, hay chơi những trò chơi tiếng Anh.

Ngộ nhận #6: Trẻ có thể học song ngữ bằng việc xem TV và các chương trình giải trí mang tính giáo dục.

Thực tế là trẻ nhỏ không học được nhiều qua TV và các sản phẩm giải trí giáo dục, những thứ này chỉ nên được xem là nguồn đầu vào bổ trợ thêm cho trẻ đã ở độ tuổi đi học.

Có nhiều cha mẹ cho rằng con học được nhiều Tiếng Anh khi xem các chương trình TV.

Mình không phủ nhận các chương trình TV có ảnh hưởng lên độ nhận biết từ vựng Tiếng Anh của trẻ. Nhưng nếu trẻ xem TV hay các chương trình mang tính giáo dục mà không có sự kiểm soát về nội dung cũng như kiểm soát cường độ xem thì chắc chắn sẽ có những hệ lụy lên trẻ mà ba mẹ không bao giờ lường trước được.

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không nên cho trẻ dưới hai tuổi xem TV với bất cứ lý do nào. (https://publications.aap.org/pediatrics/article/128/5/1040/30928/Media-Use-by-Children-Younger-Than-2-Years?autologincheck=redirected)

Với các bạn trẻ lớn, đã ở độ tuổi đi học, cha mẹ có thể thoải mái hơn khi sử dụng sự hỗ trợ của các chương trình Tiếng Anh trên TV để hỗ trợ việc học song ngữ của các con. Các chương trình này nếu được lựa chọn một cách thận trọng, và được sử dụng đúng cách hoàn toàn có thể giúp mang tới sự kết nối tích cực, vui vẻ giữa trẻ và Tiếng Anh.

Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng ngôn ngữ được học tốt nhất là thông qua những tương tác trực tiếp và gắn liền với cuộc sống của trẻ. Việc xem và tiếp thu thông tin, ngôn ngữ trên TV, DVD, trò chơi máy tính, hay các đồ chơi biết nói hoàn toàn là hình thức tiếp thu ngôn ngữ bị động, không thể nào thay thế được người thật và tương tác thật. Nếu có chăng, bạn nên dành thời gian xem TV cùng con và chủ động đặt câu hỏi, dẫn dắt hội thoại bàn luận về điều mà con đang xem để có thể tạo ra các tương tác chủ động.

Ngộ nhận #7: Cần phải sửa lỗi từ vựng và ngữ pháp cho trẻ ngay khi trẻ mắc lỗi.

Thực tế là liên tục sửa lỗi sai cho con khi con học ngoại ngữ có thể hại nhiều hơn là lợi.

Ngày còn bé, mình cũng từng rất sợ mắc lỗi khi học. Điều này một phần là do kỳ vọng của cha mẹ và thầy cô về việc con cần học, nhớ và hiểu kiến thức ngay.

(Nguồn ảnh: Unsplash)

Khi đi sâu vào việc học và dạy ngoại ngữ, mình hiểu hơn về tầm quan trọng của việc không sợ sai khi học ngôn ngữ.

Việc mắc lỗi là điều hiển nhiên khi ta học một kỹ năng mới. Đã bao giờ bạn làm những việc mà mình chưa hề làm trước đó mà ít khi xảy ra sai sót chưa? Bạn đã từng tự nhận thấy kỹ năng của mình tiến bộ hơn sau nhiều lần mắc lỗi?

Nếu cha mẹ và thầy cô trên lớp liên tục sửa lỗi cho trẻ khi trẻ nói Tiếng Anh, thì sẽ rất khó cho trẻ để thử nói một cấu trúc câu, một từ vựng mới hoặc sẵn sàng tham gia các trò chơi, hoạt động ngôn ngữ.

Việc sửa lỗi cho trẻ nên được thực hiện có chọn lọc, hoặc theo những cách giúp trẻ có thể tự nhận ra những chỗ cần cải thiện mà không bị mất đi sự hào hứng và sự tin tin của mình.

Khi con mắc lỗi, chính là cơ hội để dạy. Nhưng hãy sử dụng cơ hội này một cách tinh tế. Ví dụ như, nếu con khoe bạn quả táo và nói rằng “This a apple”, thay vì ngắt lời con “Không, nói như thế sai rồi!”, ba mẹ hãy nhẹ nhàng sửa lỗi bằng cách đơn giản như sau: “Yes, this IS AN apple.” Con sẽ thoải mái hơn và cũng hiểu ra cách nói đúng của mẫu câu trên.

Ngộ nhận #8: Trẻ chỉ có thể học nhiều nhất hai ngôn ngữ cùng một lúc.

Thực tế là trẻ học nhiều hơn hai ngôn ngữ là hoàn toàn có thể.

Trên thế giới, vẫn có hàng triệu trẻ em lớn lên và học ba hay nhiều hơn ba ngôn ngữ cùng một lúc mà không hề có ảnh hưởng xấu gì lên sự phát triển chung của trẻ.

Nếu trẻ được cung cấp một điều kiện học tập phù hợp, đảm bảo nguồn ngôn ngữ đầu vào của các ngôn ngữ là đồng đều và đều đặn với trẻ, trẻ hoàn toàn có thể học tốt nhiều ngôn ngữ một lúc.

Để tạo thêm động lực học tập cho con, ba mẹ cũng cần chọn ra được những phương pháp học tập phù hợp với độ tuổi của con, và chuẩn bị một kho những hoạt động học tập vui vẻ và hiệu quả để hỗ trợ con.

     Những quan niệm về học song ngữ trên đây nếu không được hiểu đúng có thể dẫn bạn đi những con đường sai, ngăn bạn đến với những quyết định đúng đắn khi cùng con đồng hành. Mình mong rằng những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp ba mẹ tự tin và vững vàng hơn trong hành trình cùng con chinh phục Tiếng Anh, hay bất cứ một ngoại ngữ nào khác.

       Nếu bạn muốn hiểu sâu hơn về phương pháp, lộ trình dạy con song ngữ cũng như tìm kiếm những người bạn đồng hành, mình mời bạn tham gia cộng đồng Nuôi Dưỡng Một Người Học Tí Hon – một nơi mình gửi gắm ước mơ cùng ba mẹ Việt nuôi dưỡng tình yêu học tập và xây dựng một môi trường song ngữ phong phú ngay tại nhà cho trẻ.

6 bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *