Hãy hiểu đúng, làm đúng ngay từ đầu để con bạn có một khởi đầu song ngữ tự tin.
Một người bạn của mình đã tâm sự rằng, bạn quyết định cho con làm quen với song ngữ từ sớm nhưng điều khó khăn là bố mẹ chồng kịch liệt phản đối việc này. Họ thường xuyên nói: “Con mới bé tí, học Tiếng Anh để cho chậm nói à”, rồi “Sau này lớn hơn chút, khéo lại nói lẫn lộn cả hai ngôn ngữ.”
Mình tin rất nhiều ba mẹ chúng ta đã gặp và nghe nhiều câu như trên. Điều thú vị là rất nhiều trong những nhận định này được truyền miệng qua nhiều “chuyên gia ngôn ngữ không chuyên” từ bạn bè, ông bà, bố mẹ, hàng xóm của gia đình bạn, và bạn có thể đã tin những điều trên là sự thật.
Đâu mới là cái nhìn đúng về việc học song ngữ của trẻ?
(Nguồn ảnh: Unplash)
Để có thể hiểu đúng về cách ngôn ngữ được học (hoặc không được học), để không tốn thời gian, công sức, và đôi khi là tiền bạc cho việc học song ngữ của con, hãy cùng mình nhìn lại 08 ngộ nhận phổ biến.
Ngộ nhận #1: Cha mẹ nói được hai thứ tiếng mới có thể dạy con song ngữ
Thực tế là bất cứ cha mẹ nào cũng có thể nuôi dạy trẻ song ngữ, dù là cha mẹ đang ở trình độ ngoại ngữ như thế nào.
Khi được khuyên cho con làm quen song ngữ từ sớm, không ít người sẽ nói “Ôi, nó còn chưa nói sõi Tiếng Việt, học làm gì cơ chứ” “Ba mẹ có biết chữ nào đâu mà dạy ”. Họ nghĩ rằng chỉ khi có thể sử dụng hai ngôn ngữ thuần thục thì ba mẹ mới có thể dạy con song ngữ được. Nếu mẹ chỉ biết một thứ tiếng, thì trẻ cũng sẽ chỉ học được một thứ tiếng khi bé mà thôi. Và câu truyện kết thúc như thế.
Một nhận định tưởng như logic và khoa học, nhưng lại hoàn toàn không đúng sự thật.
Không phải cha mẹ nào nói hai thứ tiếng cũng dạy con song ngữ được. Khi mới qua Mỹ , mình đã tới thăm một gia đình gốc Việt gần nơi mình sống. Mình đã rất bất ngờ khi thấy chỉ có ông bà trong gia đình nói tiếng Việt, còn con cái (ngang tuổi mình) và các cháu (5, 6 tuổi) của họ gần như không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nuôi dạy trẻ song ngữ là quá trình cần có kế hoạch, sự nỗ lực, và hi sinh không chỉ với ba mẹ chỉ nói được tiếng Việt, mà còn cả với ba mẹ nói song ngữ.
Ba mẹ nói một ngôn ngữ sẽ gặp những thử thách tương tự với ba mẹ có thể nói hai ngôn ngữ, tuy là có thêm thử thách chưa thể sử dụng Tiếng Anh thuần thục.
Cùng với nhận thức về tầm quan trọng của Tiếng Anh, có hàng trăm, hàng ngàn cơ hội và vô kể các nguồn tài nguyên học tập cho con mà ba mẹ hạn chế về khả năng Tiếng Anh có thể dễ dàng tiếp cận.
Tuy nhiên việc lựa chọn tài nguyên học tập phù hợp, đúng phương pháp và có lộ trình khoa học cho con không hề là việc dễ dàng. Cha mẹ cần có những lựa chọn cẩn trọng và thông thái để tránh lãng phí tiền bạc, công sức, và thời gian của mình và con.
Ngộ nhận #2: Đã quá muộn để bắt đầu dạy song ngữ tại nhà cho con
Thực tế là không bao giờ là quá muộn để học một ngôn ngữ mới nếu có môi trường, phương pháp học đúng.
Độ tuổi là một nhân tố khá quan trọng trong việc học ngôn ngữ thứ hai và những người bắt đầu người học Tiếng Anh từ bé sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều năm giảng dạy bộ môn Tiếng Anh cho nhiều độ tuổi, mình đã thấy rất nhiều trường hợp trẻ thành niên hay người trưởng thành hoàn toàn có thể học một ngôn ngữ mới thành công.
Mình bắt đầu học Tiếng Anh khá muộn, lên đại học mình vẫn chưa thể nghe nói thành thạo. Sau khi dành nhiều thời gian tự học và làm trợ giảng cho giáo viên bản ngữ, khả năng nghe nói của mình có nhiều tiến bộ. Sau này khi đã đi làm, học tới bậc thạc sĩ và trực tiếp sinh sống tại Mỹ, mình tự tin có thể sử dụng Tiếng Anh thành thạo trong giao tiếp và công việc.
Ngộ nhận #3: Chỉ có người bản ngữ hay giáo viên mới có thể dạy cho con ngôn ngữ mới
(Nguồn ảnh: Jonathan Borba, Unsplash)
Thực tế là ba mẹ dù không giỏi Tiếng Anh vẫn có thể giúp con có đầu vào ngôn ngữ chất lượng thông qua các hoạt động học tập đơn giản, vui vẻ hàng ngày.
Ba mẹ thường hay lo lắng về việc làm mẫu cho con khi dạy song ngữ. Mình đã gặp nhiều tình huống, ba mẹ hơi lúng túng trong việc sử dụng các từ đơn giản như “Hello!” “Sorry”, “Please”, “Thank you” với trẻ, chủ yếu do không tự tin và lo sợ rằng phát âm của mình nếu không chuẩn sẽ ảnh hướng tới con.
Không phủ nhận những người nói Tiếng Anh (ngôn ngữ đích) xung quanh trẻ đóng một vài trò quan trọng. Trong khả năng cho mình, ba mẹ hoàn toàn có thể tạo thêm cơ hội cho con được giao tiếp với người bản ngữ, giáo viên Tiếng Anh để bổ sung đầu vào ngôn ngữ cho con. Nhưng cần đảm bảo phương pháp dạy của giáo viên phù hợp, vui vẻ, và tạo được nhiều tình huống giao tiếp tự nhiên cho con.
Tuy nhiên, trẻ hoàn toàn có thể học một ngôn ngữ mới tốt dù là ba mẹ chưa thể cung cấp đầu vào hoàn hảo cho chon. Bởi ngôn ngữ được học tốt nhất là thông qua các tương tác tự nhiên, gắn liền với thế giới xung quanh trẻ.
Hãy nhìn lại cách ta học tiếng Việt. Những cuộc hội thoại mà ta hay nghe lúc bé từ người khác, cũng sẽ đôi khi bị ngắc ngứ, không rõ ràng, sai phát âm và ngữ pháp. Chúng ta vẫn học tiếng mẹ đẻ một cách hoàn toàn tự nhiên, và dần tự sửa lỗi nếu có đó thôi.
Sự tương tác nhiệt tình của bạn với con đã là nguồn đầu vào ngôn ngữ chất lượng, và có ý nghĩa không chỉ với hành trình học ngôn ngữ mà còn với hành trình phát triển và trưởng thành của mỗi đứa trẻ.
Ngộ nhân #4: Trẻ học hai ngôn ngữ sẽ bị chậm nói hơn với trẻ chỉ nói một ngôn ngữ
Thực tế là trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ một cách bình thường khi nói hai hay nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.
Vì sao lại có ngộ nhận này và tại sao nó lại trở nên phổ biến như thế?
Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, và mỗi trẻ sẽ có thời điểm bắt đầu nói hoàn toàn khác nhau. Có trẻ đã có thể nói sau 8 tháng tuổi, nhưng cũng có trẻ phải sau 16 tháng tuổi. Với trẻ độ tuổi 1-2, có trẻ đã có thể nói nhiều như vẹt, cũng có trẻ chỉ mới nói bập bẹ 1,2 câu. Và nếu không may, trong những trẻ được coi là chậm và còn bập bẹ đó, nếu có trẻ đang học song ngữ, thì ngôn ngữ thứ hai sẽ bị gắn mác “nguyên nhân” gây ra tình trạng đó.
Cho tới nay, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chỉ ra việc nghe, học hai hay nhiều ngôn ngữ sẽ khiến trẻ hấp thụ ngôn ngữ chậm hơn. Dù là nói một ngôn ngữ hay hai ngôn ngữ, thì trẻ đều có thể nghe nhại từ, nói những từ đơn đầu tiên, hay những câu ngắn đầu tiên tại cùng một thời điểm như nhau. Thực tế cũng cho thấy rất nhiều trường hợp trẻ lớn lên với hai hay nhiều hơn hơn ngôn ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ và không hề có dấu hiệu của việc chậm hay loạn ngôn ngữ.
Nếu bạn đã nắm được 04 ngộ nhận phổ biến trên về dạy con song ngữ, đừng bỏ qua 04 ngộ nhận tiếp theo (Phần 2) tại đây nhé.
2 bình luận
I need to to thank you for this very good read!! I absolutely enjoyed every bit of it. I have got you book-marked to check out new stuff you postÖ
Thank you so much for your kind words. They made my day.