Tìm kiếm
Close this search box.

04 bí quyết giúp con phát triển ngôn ngữ ngay từ khi còn bé 

Trẻ học ngôn ngữ cũng giống như trẻ học đi, trẻ cần môi trường và thời gian thực hành hằng ngày.

 Cô bạn của mình kể về gia đình mà cô đang gia sư mỗi ngày để giúp con chữa chứng tự kỷ, ít nói. Theo lời cô thì cậu bé hoàn toàn rất bình thường, thông minh.  Tuy nhiên có lẽ là do ba mẹ mê mải làm việc và không dành thời gian cho con, vì thế cậu bé ở nhà tự chơi với một phòng đồ chơi đắt đỏ. Dù có người giúp việc chơi cùng, thế nhưng cậu bé vẫn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.

Một lần khác, khi về nhà thăm ba mẹ, mình được nghe câu chuyện một gia đình hoàn cảnh khá khó khăn lại đang dành dụm từng đồng để chữa bệnh rối loạn ngôn ngữ và hành vi cho con nhỏ. Nguyên nhân là ba mẹ bận đi làm, vô tư để cậu anh chỉ hơn em có mấy tuổi tự trông nhau ở nhà. Cả ngày hai anh em chỉ có cùng nhau xem TV, điện thoại.

Còn rất nhiều những câu chuyện buồn khác mà mình được nghe về trẻ và việc phát triển ngôn ngữ.

Vậy làm thế nào để con có thể phát triển ngôn ngữ một cách tốt nhất và tránh gặp phải những khó khăn về phát triển ngôn ngữ như trên?

1/ Đầu tiên và dễ làm nhất ba mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với con

Một điều thú vị mình nhận ra là, thường những bà mẹ “nhiều lời”, hãy dành thời gian nói chuyện cùng con, thì trẻ thường tự tin trong giao tiếp hơn những đứa trẻ ở môi trường ngược lại.

Nguồn ảnh: Paige Cody, Unsplash

Theo một nghiên cứu gần đây của những nhà khoa học nhận thức MIT (thuộc Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ), việc trò chuyện hàng ngày cùng con không những giúp phát triển trí não cho trẻ, mà còn là nhân tố ảnh hưởng tích cực lên sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ càng được tham gia vào nhiều cuộc hội thoại cùng người lớn, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ càng cải thiện nhanh chóng hơn.

Cha mẹ có thể trò chuyện cùng con ngay từ khi con còn bé. Dù trẻ sơ sinh chỉ có thể nghe mà chưa thể hồi đáp lại, nhưng ba mẹ có biết khi ta hát, nói chuyện, đọc sách cùng con, cũng chính là lúc trẻ bắt đầu xây dựng vốn từ cơ bản và những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết cho mình?

 Giao tiếp hằng ngày cùng con cần liên tục bền bỉ chứ không chỉ ở những tháng năm đầu đời của con. Khi trẻ lớn hơn và đã có thể sử dụng các câu từ hội thoại ngắn, bạn có thể bắt đầu hỏi chuyện con về sự vật, hiện tượng, sự kiện và con người xung quanh bé. Trẻ thường xuyên được nói chuyện với cha mẹ không chỉ có vốn từ vựng, vốn sống phong phú, mà còn dần hình thành khả năng tư duy độc lập trong giao tiếp và cuộc sống, hơn hết là sự gắn kết giữa ba mẹ và con càng thêm sâu sắc.

2/ Hãy bắt đầu đọc sách cùng con sớm nhất có thể

 Đã bao giờ ba me mua sách về cho bé, nhưng không hề thấy bé háo hức, yêu thích? Để con xây dựng thói quen tốt, cha mẹ trước hết cần làm gương cho con. Mỗi gia đình tùy vào từng điều kiện về thời gian sinh hoạt hãy xây dựng những “nghi lễ” đọc sách phù hợp.

 Đọc sách cho trẻ hoặc cùng đọc với trẻ mang lại nhiều lợi ích “khổng lồ”. Khi bạn đọc sách cho con cũng là khi ta đang dạy ngôn ngữ cho con theo một cách tự nhiên nhất. Ba mẹ càng thường xuyên đọc sách cho con, thì vốn từ, mẫu câu, vốn sống của trẻ càng đa dạng, phong phú bấy nhiêu. Không những thế, thông qua đọc sách con còn xây dựng tình yêu với sách, tri thức, và rèn luyện sự tập trung, tính kiên nhẫn.

Cùng con đọc sách trước giờ đi ngủ, hay vào buổi sáng sớm, vào các ngày cuối tuần không quá khó để ba mẹ thực hiện. Ba mẹ hãy nghĩ rằng 10, 20, hay 30 phút đọc sách cùng con hàng ngày đó chính là sự đầu tư về học tập lớn nhất, dễ nhất và không hề tốn kém mà cha mẹ dành tặng cho con ngay từ khi còn bé.    

3/ Tuổi thơ con cần và nên có nhiều cơ hội được vui chơi cùng âm nhạc

 Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ giai điệu của những bài hát mầm non được học lúc bé. Giai điệu vui tươi của bài hát cùng với các câu từ được nhắc đi nhắc lại giúp ta có thể ghi nhớ từ mới một cách tự nhiên và nhanh chóng. Đó cũng chính là một cách học ngôn ngữ một cách tự nhiên mà chúng ta cũng đã từng được trải nghiệm. 

Âm nhạc không chỉ giúp phát triển trí não, khả năng tập trung mà còn giúp nuôi dưỡng và phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ cho trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong âm nhạc thường có khả năng cảm thụ âm nhạc  và có kỹ năng giao tiếp vượt bậc.

 Bố chồng mình từng là nhạc sĩ, và là người phối nhạc cho sân khấu Oregon Shakespeare Festival tại Ashland (Mỹ) hơn 30 năm. Ngay từ khi còn bé, chồng mình là anh Aidan và chị gái Dylan, em Grace đã được lớn lên cùng âm nhạc. Có lẽ một phần vì thế mà hầu hết mọi người trong nhà đều có khả năng cảm thụ âm nhạc, trò chuyện và kể chuyện cuốn hút, hấp dẫn.

Với trẻ học song ngữ thì lợi ích của sử dụng âm nhạc càng rõ rệt hơn. Mới đầu, ngôn từ trong bài hát sẽ còn lạ lẫm với trẻ. Về sau, khi những giai điệu được hát đi hát lại nhiều lần bé đã có thể nghe và hát theo lời bài hát, cũng sẽ dần hiểu được ngữ nghĩa của ngôn từ trong bài.

Cha mẹ có thể hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ thông qua âm nhạc bằng các cách đơn giản như sau:

  • Chơi nhạc cùng với trẻ: Nếu cha hoặc mẹ có thể chơi một hoặc nhiều nhạc cụ để con có thể được “tắm” trong nhiều thể loại âm nhạc đa dạng thì đừng ngần ngại gì mà bắt đầu ngay nhé. Tuy nhiên cũng cần chú ý âm thanh cho trẻ cần vừa phải, tránh ảnh hưởng đến thính giác của bé.
  • Hát cho trẻ nghe: Ba mẹ hãy luôn tự tin và vui vẻ cùng trẻ hát ca hàng ngày nhé. Đừng bỏ cuộc nếu bạn nghĩ giọng hát của mình không hay chút nào, bởi trẻ học ngôn ngữ thông qua việc nghe giọng của bạn thường xuyên chứ không phải trẻ cần nghe những âm điệu bay bổng mới học được câu từ. Hơn hết trẻ con rất yêu âm nhạc và vô cùng thần tượng bố mẹ mình nên với trẻ, ba mẹ sẽ là ca sĩ tuyệt vời nhất. 
  • Hát cùng với trẻ: Khi trẻ lớn dần lên, chúng sẽ rất thích được hát cùng bạn. Luyện hát ngân nga hàng ngày giúp trẻ ghi nhớ giai điệu và ngôn từ của bài hát một cách dễ dàng hơn. Chị dâu Dylan rất hay hát cùng cháu Kota tại nhà. Kota có lẽ bởi thế cũng rất yêu âm nhạc và khá linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ. Kota và chú Aidan cũng thường xuyên tự biên tự diễn hát về tàu cướp biển, hát về ông ngoại Jon đã mất, hát về mùa hè …

4/ Ba mẹ hãy cho con được trải nghiệm thế giới muôn màu

Dù là vẫn bận rộn với các công việc hàng ngày, ba mẹ Kota vẫn tạo cơ hội để con có thể khám phá thế giới quanh mình. Khi thì cùng con chơi các trò chơi tại sân nhà, khi thì con cùng mọi người qua công viên, khi thì cùng leo núi, lội suối, đôi khi đơn giản là đi siêu thị cùng mẹ, đi làm cùng ba, đi thư viện cùng bà.

Hơn hết, ba mẹ Kota hiểu rằng trẻ học nhanh nhất thông qua nghe, nhìn, và cảm nhận. Qua những buổi đi chơi với ba mẹ, những chuyến đi du lịch, trẻ sẽ có nhiều cơ hội được phát triển ngôn ngữ cũng như vốn sống.

Nguồn ảnh: Robert Collins, Unsplash

Hãy luôn coi mỗi chuyến đi cùng trẻ, dù là đi xa, hay chỉ là đi xung quanh ngôi nhà và không gian mà con đang sống là một chuyến phiêu lưu kỳ thú cho trẻ. Ba mẹ hãy giúp con “gọi tên” sự vật, sự việc mà con đang tò mò, muốn khám phá, và gợi ý hướng dẫn con miêu tả chúng. Làm như thế là bạn đã giúp con dễ ghi nhớ vốn từ, tăng cường khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt cho con.

 Và còn gì ý nghĩa hơn, khi trẻ được nuôi dưỡng trí tò mò, kết nối với thiên nhiên con người, mà còn  học hỏi được nhiều điều mới mỗi ngày thông qua những trải nghiệm tuyệt vời với thế giới bên ngoài.

 Mình tin rằng, với trẻ thì tình yêu của ba mẹ chính là thời gian chất lượng mà bạn dành cho con. Hãy cùng trẻ nói chuyện, đọc sách, vui chơi, hòa mình vào âm nhạc, khám phá thế giới mỗi ngày ba mẹ nhé.

 Làm được như thế là bạn đã và đang không chỉ tạo sự gắn kết bền chặt mỗi ngày với trẻ, mà còn giúp trẻ có môi trường tốt nhất để phát triển ngôn ngữ, cũng là tiền đề để phát triển tư duy, giao tiếp sau này đấy. 

Cảm ơn bạn đã đọc trọn vẹn một bản tin khá dài của mình. Nếu bạn thấy điều gì có giá trị từ bài viết này, hãy để lại comment phía dưới chia sẻ với mình và bạn đọc The Little Learners nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *