Đọc sách cùng trẻ mỗi ngày sẽ thay đổi cuộc đời trẻ mãi mãi

Đọc sách cùng con là chìa khóa giúp con có một khởi đầu tri thức vững vàng.

Với mình, mỗi ngôi nhà luôn có một cánh cửa dẫn tới tri thức vô tận cho trẻ. Và ba mẹ sẽ là người cần luôn mở rộng những cánh cửa đó để trẻ có thể chạy qua hàng ngày để tìm thấy tình yêu thương của ba mẹ và tình yêu tri thức cho suốt cuộc đời chúng.

Cùng trẻ đọc sách hàng ngày chính là chìa khóa để mở cánh cửa thần kỳ đó cho con mỗi ngày. Đây cũng là phương pháp giáo dục mà hơn 10 nghìn nghiên cứu của Bộ giáo dục Mỹ và hàng ngàn nghiên cứu khác trên thế giới ủng hộ. 20 phút đọc sách sách giúp mang tới 16 lợi ích cho trẻ, đây cũng là điều đơn giản giúp cân bằng sân chơi học thuật cho trẻ dù là có giới tính, tầng lớp, hay chủng tộc khác nhau.

1/ Đọc sách giúp con xây dựng kỹ năng nền tảng cần thiết cho việc học tập trong tương lai

 Có nhiều ba mẹ cho rằng xem TV có thể giúp trẻ học được nhiều thứ hơn là đọc sách hay tương tác cùng với ba mẹ hằng ngày. Nhưng ngay khi bạn đặt một chiếc màn hình trước mặt trẻ, đặt biệt là trong những năm đầu đời, từ lúc sinh ra tới khi trẻ ba tuổi, bạn đã lấy đi nhiều cơ hội rèn luyện cho não mà trẻ nên có.

 Gần 90% sự phát triển trí não của trẻ xảy ra trước 5 tuổi, do đó những trải nghiệm đầu đời sẽ ảnh hưởng tới mọi thứ sau này của trẻ. Ngay khi mới lọt lòng, não trẻ đã bắt đầu hình thành những liên kết tư duy một cách nhanh chóng, số liên kết này có thể đạt tới 1000 liên kết trên một giây (Theo nghiên cứu về Cấu trúc Bộ Não được tiến hành bởi đại học Harvard). Những liên kết này trong não sẽ giúp xây dựng lên nền tảng cần thiết cho việc học tập sau này của trẻ. Cùng với nói chuyện hàng ngày với con, đọc sách là một trong những cách tốt nhất để não trẻ được luyện tập hàng ngày

Nguồn ảnh: Unsplash

 Khi trẻ xem phim, não trẻ gần như không cần hoạt động để tạo ra bất kì liên kết nào. Đây là một hình thức giao tiếp một chiều, không hề có sự tương tác qua lại nào tồn tại. Nhưng khi trẻ được người lớn đọc sách cho nghe hay tự đọc sách, não của trẻ sẽ cần tập luyện để hình thành những hình ảnh trong tâm trí. Ví dụ, khi bạn đọc câu “một con hươu nhảy qua một cái cây”, bộ não của chúng ta phải tự vẽ nên bức tranh “ah, có một con hươu, và có thêm một cái cây”. Sau đó bộ não sẽ đặt hai hình ảnh này cạnh nhau, đây cũng chính là cách mà não của trẻ được rèn luyện.

 Thông qua đọc sách, con biết thêm nhiều từ vựng, khái niệm, hiểu biết thêm về thế giới xung quanh. Đọc sách cũng giúp trẻ xây dựng khả năng đọc hiểu và kỹ năng tư duy suy luận vấn đề. Những kỹ năng này là rất cần thiết để trẻ có một sự khởi đầu học tập vững vàng trong tương lai.

 2/ Đọc sách giúp con nuôi dưỡng trí tưởng tượng, từ đó phát triển khả năng sáng tạo trong học tập, cuộc sống sau này

  Năm 1903, nếu không có hai anh em nhà Wright với ước mơ vươn tới bầu trời cháy bỏng, liệu ngày hôm nay chúng ta được tự do đi lại, tự do khám phá thế giới. Billgate tạo nên Microsoft năm 1975 với ước mơ giúp mọi người trên thế giới có thể nhờ công nghệ để đặt được tiềm năng to lớn bên trong mình. Ông đã từng phát biểu như sau: “Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi tôi còn là một đứa trẻ, và không ít trong số đó đã trở thành hiện thực, chính là nhờ tôi đã có cơ hội đọc rất nhiều”.

 Cháu Kota từ bé đã được mẹ Dylan đọc sách khi mới qua 3 tháng tuổi, chị Dylan thậm chí còn đọc sách rất nhiều khi mang bầu Kota. Trong phòng ngủ của con, giá sách rất to được ưu tiên đặt ở vị trí đẹp nhất. Con được ba mẹ, ông bà và mọi người đọc sách cho nghe hàng ngày. Bởi thế cũng không quá bất ngờ khi Kota có một trí tưởng tượng tuyệt vời đến thế. Con có thể tượng tượng cả một câu chuyện từ một tấm bản đồ vẽ tay nguệch ngoạc khi mới lên 3 tuổi.  

 Từ bé mình đã rất thích đọc sách. Mỗi câu chuyện là một thế giới mới, những người bạn mới, những cuộc hành trình mới. Và chính những câu chuyện ngày bé được gom nhặt lại qua việc đọc ấy đã xây dựng nên những ước mơ mình theo đuổi trong những năm tháng sau này.

Đọc sách giúp mình hiểu được rằng, trí tưởng tượng, những ước mơ có thể mang ta đi đến nơi mà chúng ta muốn tới.

3/ Đọc sách giúp con thêm yêu việc đọc sách, yêu trí thức và trở thành người học tập trọn đời

Khi nghe ba mẹ đọc sách cho hoặc tự đọc sách đòi hỏi trẻ phải tập trung vào những câu chữ, hình ảnh của câu chuyện để nắm được cốt truyện, diễn biến của các hoạt động xảy ra trong câu chuyện. Do đó, rèn luyện thói quen đọc sách cho con cũng là cách giúp con rèn luyện khả năng tập trung, đức tính kiên trì và kỷ luật bản thân.

Nếu trẻ không hề được đọc sách cho ngay từ khi còn bé, thì khi lớn hơn, việc đọc một cuốn sách với trẻ là rất khó khăn. Khi còn là giáo viên dạy bậc THCS tại Việt Nam, mình đã gặp nhiều thử thách trong việc khuyến khích học sinh đọc sách. Lý do là một số trẻ không hề có thói quen đọc sách, cũng như sự kiên nhẫn để có thể đọc hết một cuốn sách.

 Cùng với nhịp sống hiện đại, sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ số, trẻ con càng ngày càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với TV, công nghệ một cách không kiểm soát.

  Xây dựng thói quen và tình yêu đọc sách cho con bởi thế còn là cách ba mẹ bảo vệ con khỏi những thói quen xấu trên và để trẻ biết tự cân bằng những sở thích của bản thân.

  4/ Đọc sách giúp con xây dựng, nuôi dưỡng và bồi đắp nhân cách

 Một đứa trẻ thích đọc sách không bao giờ có thể là một đứa trẻ hư.

Càng ngày mình càng quan sát thấy có nhiều trẻ em được bố mẹ cung cấp đầy đủ về vật chất, điều kiện sống. Nhưng không ít trẻ trong số đó không hề có mạch nguồn tự nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn cho mình.

Nguồn ảnh:Unsplash

 Mỗi một cuốn sách là một người bạn tốt giúp trẻ tự nuôi dưỡng, làm giàu tâm hồn mình. Đừng để những trang sách bị lãng quên trong thế giới còn nhỏ hẹp của trẻ, thế giới ấy phải luôn nhiều màu sắc, rực rỡ, và nhiều ước mơ ba mẹ nhé. Để những lúc cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng, trẻ có bến neo đậu tìm về. Đó là bài học nhân sinh quan trẻ học được từ cuốn sách khi còn bé, hay từ những câu chuyện được gợi ra từ cuốn sách mà chúng đang đọc.

 Khi đứa trẻ đọc sách và sống trong câu chuyện của cuốn sách, chúng sẽ thấy cách những nhân vật trong câu chuyện đối mặt với sợ hãi, lo lắng, và cả cách họ trân trọng niềm vui, vượt qua khó khăn, tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Trẻ sẽ dùng chính trải nghiệm cuộc sống của mình để hiểu sách hơn, và sách cũng giúp trẻ hiểu hơn về cuộc sống, cách đối nhân xử thế trong câu chuyện của chính mình.

 Tới một ngày ba mẹ sẽ thấy, trẻ sẽ lấy chính những nhân vật, những câu chuyện, cảm hứng đó làm động lực để học tập và phấn đấu hằng ngày. Đọc sách bởi thế sẽ luôn có giá trị giáo dục lâu dài và vững bền rất cần được nuôi dưỡng, duy trì và tiếp nối.

Đọc sách có mối liên kết chặt chẽ với kết quả học tập ở trường, khả năng học tập suốt đời, cũng như sự phát triển cảm xúc, sức khỏe tinh thần của trẻ. Kiên trì cùng con đọc sách hàng ngày đã là món quà tri thức tốt đẹp nhất mà ba mẹ nào cũng có thể tặng cho con mình.

Hãy nhớ chính ta chứ không ai khác phải là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con. Hãy giúp con viết lên cuộc đời mình qua những trang sách, ba mẹ nhé!

Ba mẹ hãy tham khảo thêm những bí quyết nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con qua bài viết 10 Bí quyết nuôi dưỡng một người đọc nhí của mình.

 Nếu bạn thấy giá trị đặc biệt gì từ bài viết này, hãy để lại comment phía dưới chia sẻ với mình và bạn đọc The Little Learners nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *