Tìm kiếm
Close this search box.

10 Bí quyết nuôi dưỡng một người đọc nhí

Tình yêu sách của trẻ bắt đầu với vòng tay của ba mẹ.

Trẻ không chịu đọc sách, trẻ luôn thấy sách nhàm chán.

Dù biết đọc sách quan trọng cho quá trình phát triển của con, ba mẹ đôi khi lại bất lực để tạo dựng thói quen này cho con.

Vậy làm thế nào để giúp trẻ yêu đọc sách ngay từ khi còn bé? Dưới đây mình sẽ giới thiệu tới ba mẹ 10 cách dễ thực hiện để giúp con thêm yêu đọc sách.

Cháu Kota và chú Aidan đang cùng nhau đọc truyện, chú đọc, cháu phụ họa theo

#1 Đọc sách cho con ngay từ ngày đầu tiên và hãy thực hiện hàng ngày

Minh Anh là một cô học trò nhỏ rất yêu sách. Cô bé đọc sách mọi nơi. Dù mới có 6 tuổi, con đã có thể đọc cả sách Tiếng Việt và Tiếng Anh thành thạo, say mê. Khi mình hỏi về phương pháp hướng dẫn con ở nhà, mẹ con đã nói “Chị đã đọc sách cùng con từ lúc con 5 tháng tuổi và chị đọc mỗi ngày cùng con …”

Ba mẹ hãy đọc sách cho con ngay từ những ngày đầu tiên và cùng con đọc sách mỗi ngày ngay cả khi con đã có thể tự đọc được sau này.

Những cuốn sách truyện với nhiều hình ảnh thú vị, những câu chuyện đẹp từ những năm tháng trẻ thơ sẽ giúp trẻ xây dựng những kỹ năng cần thiết cho việc học tập cũng như cuộc sống sau này.

#2 Luôn thể hiện cảm xúc tích cực khi đọc, không quên khen ngợi con

Một lần mình được xem bà Serena kể chuyện Old Black Witch (tạm dịch là Phù Thủy Đen già cỗi) cho Kota trước giờ đi ngủ. Bà nhập vai các nhân vật với giọng nói khi thì vui tươi, khi thì tức giận, sợ hãi, đe dọa. Kota – cháu trai của mình – hào hứng tham gia cùng nhập vai cùng bà trong nhiều đoạn kể và không quên cười tít mắt.

 Sự yêu thích và hào hứng của ba mẹ khi đọc sách sẽ có tác động rất lớn tới con, giúp con cảm thấy đọc sách là một điều vui vẻ và thú vị.

 Trẻ cũng muốn được nghe ba mẹ và người lớn khen ngợi đúng lúc. Hãy để con biết rằng bạn tự hào như thế nào khi con có thể đọc một câu hay một trang sách, hoặc đơn giản là con tương tác lại với ba mẹ khi cùng đọc sách.

 Đọc sách bởi thế với con không chỉ là một trải nghiệm đẹp cùng ba mẹ mà còn giúp con thêm tự tin trong hành trình học đọc của mình.

#3 Giúp con có một không gian tràn ngập sách tại nhà

Hãy để sách xuất hiện thường xuyên nhất có thể trong ngôi nhà của bạn. Sách có thể tràn ngập trên các giá sách tại phòng khách, phòng ngủ, sách nấu ăn trong gian bếp gia đình và sách trên bàn uống nước.

 Nếu có thể, hãy giúp con có một không gian yên tĩnh trong nhà để con có thể đọc. Góc đọc đó hãy chứa đựng những cuốn sách con yêu thích và không ngừng giúp con làm đầy góc sách đó mỗi ngày.

 Đơn giản hơn, ba mẹ có thể giúp con có một ngăn tủ riêng để chứa những cuốn sách, tập giấy, và bút vẽ của mình. Hay một hộp bìa cứng đựng sách được con và ba mẹ cùng nhau trang trí theo màu sắc yêu thích của trẻ.

#4 Cùng con đi thăm nhà sách, thư viện một cách thường xuyên

 Khi còn ở Việt Nam, mình hay dẫn các cháu của mình đi nhà sách. Ban đầu chúng còn thờ ơ, thậm chí thấy chán đòi về. Nhưng mình vẫn kiên nhẫn và hào hứng hướng dẫn chúng cách chọn sách theo sở thích, hay đố chúng tìm sách về chủ đề nào đó mà chúng thích.

Sau nhiều lần như thế, sách và nhà sách giờ đây đã là một điểm đến thú vị cho chúng với ba mẹ hoặc anh chị.

Cháu Kota đi thư viện hàng tuần, khi thì với mẹ, khi thì với bà, khi thì với cô chú. Khi Kota mới chỉ 2 tuổi, bà thường xuyên đưa cháu tới các buổi kể truyện Story Time tại thư viện cộng đồng ở thị trấn. Những ngày đầu, cháu còn khá nhút nhát, chưa hứng thú để tham gia các hoạt động. Dần dần, đi thư viện giờ đã thành thói quen không thể bỏ của cháu.

Cháu Kota và bà ngoại Serena đang check-out sách tại thư viện thị trấn

#5 Cho con thấy việc đọc và viết hàng ngày là rất quan trọng

Tại Mỹ, mình thường xuyên thấy hình ảnh trẻ cầm trên tay một bảng danh sách đồ cần mua và theo sau là bố mẹ với xe đẩy để đựng hàng trong siêu thị. Mình cũng thấy nhiều ba mẹ kiên nhẫn đọc bản đồ, rồi đọc cả bảng miêu tả cây trồng, hay bảng tên của các bức tượng nghệ thuật cùng trẻ trong công viên.   

Ba mẹ Mỹ khuyến thường khích trẻ vẽ hoặc viết những câu ngắn để trao đổi thông tin với các thành viên trong gia đình. Con cũng có thể vẽ, tô màu, hay viết tặng thiệp cho người thân yêu trong gia đình.

Khi đi du lịch, hoặc khi phải chờ đợi một điều gì đó ba mẹ hãy gợi ý con mang theo một cuốn sách bên mình để đọc. Và cũng đừng quên tự mang cho mình cuốn sách yêu thích của ba mẹ nữa nhé.

 Những hoạt động đơn giản nhưng sẽ giúp trẻ hiểu viết và đọc là cách để trẻ giải trí, hay thể hiện tình cảm với mọi người xung quanh.

#6 Hãy đọc lại những cuốn sách con yêu thích

Mọi đứa trẻ đều thích đọc đi đọc lại những câu chuyện yêu thích của mình. Đọc lại những cuốn sách yêu thích của con cho trẻ cơ hội được nghe lại những phần hay bị bỏ lỡ hoặc được nghe lại một đoạn truyện mà con rất thích.

Đọc lại những cuốn sách còn giúp trẻ rèn luyện khả năng ghi nhớ từ vựng, mẫu câu, cốt truyện, và hiểu thêm về ý nghĩa của ngôn từ được sử dụng trong truyện.  Cũng như ý nghĩa, bài học mà tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện.

#7 Chọn sách phù hợp với độ tuổi cũng như sở thích của con

 Ba mẹ không cần phải là một chuyên gia để giúp con yêu thích đọc sách. Tuy nhiên chọn sách phù hợp với độ tuổi, sở thích là điều rất quan trọng trong hành trình xây dựng tình yêu đọc sách cho con.

Ba mẹ cần là người đọc và kiểm duyệt sách trước khi đọc cho trẻ hoặc trước khi để trẻ đọc. Vì có những cuốn sách truyện trông có thể hấp dẫn, nhưng nội dung lại chưa phù hợp, hoặc có những cuốn có câu chuyện hay những hình ảnh lại khó hiểu và khó nhìn với con.

#8 Hướng dẫn con suy nghĩ và nói về câu chuyện, hoặc cuốn sách được đọc

 Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Mortimer Adler từng nói: “Một số người cho rằng cuốn sách hay là cuốn sách không thể đặt xuống được, nhưng tôi lại nghĩ rằng cuốn sách hay là cuốn sách mà bạn phải đặt xuống, để bàn luận, để đặt câu hỏi, và để soi chiếu để liên hệ tới cuộc sống của mình.”

 Ba mẹ hãy khuyến khích con thể hiện suy nghĩ, cảm xúc về những điều con được đọc để giúp con đến gần nhân vật, câu chuyện và sách hơn, chẳng hạn như “Theo con vì sao chú thỏ lại làm như vậy? “Con có suy nghĩ như thế về hành động của bà phù thủy?”

 Sau khi đặt câu hỏi cho trẻ, ba mẹ cần để cho trẻ thời gian suy nghĩ và trả lời. Không nên vội vã giục hoặc thể hiện sự thất vọng khi trẻ không tìm được câu trả lời ba mẹ nhé.

#9 Cùng con chơi trò Nhập vai để mang sách tới gần cuộc sống của trẻ

 Mình nhớ mãi hình ảnh những cô gái nhỏ say sưa tập diễn lại các câu chuyện từ những trang sách trên gác mái của ngôi nhà, trong truyện “Little Women” của nhà văn Mỹ Louisa May Alcott.

Nguồn ảnh: Homestudio, Freepik

 Khi trẻ diễn lại những điều chúng đọc qua trải nghiệm đọc và sự tưởng tượng của chúng, câu chuyện trở nên sống động hơn. Trẻ sẽ hiểu câu chuyện hơn đồng thời có những trải nghiệm về cuộc sống một cách chân thực hơn. Từ đó, con cũng sẵn sàng hơn cho những điều sẽ xảy ra trong cuộc sống thực và biết cách ứng xử lại phù hợp.

 Ba mẹ có thể tạo nhiều cơ hội cho trẻ được xem những vở kịch được đóng dựa trên cốt truyện tại các nhà hát kịch. Ba mẹ cũng có thể tự mình cùng đọc lại, cùng tập diễn cùng con để kể lại câu chuyện theo cách của riêng mình. Hãy để cho trí tưởng tượng của trẻ được cất cánh, ba mẹ sẽ rất bất ngờ về khả năng sáng tạo của con đó.

#10 Hãy làm gương

Ông nội mình rất yêu thơ ca cách mạng và thuộc rất nhiều bài thơ, bài hát về đất nước, về dân tộc. Ông ngoại mình thì lại tha thiết với những vần thơ Kiều. Ông có thể ngồi ngâm thơ Kiều hàng giờ không chán và trân quý những cuốn thơ như kho báu. Chính tình yêu văn thơ của hai ông đã gieo hạt cho tình yêu sách trong mình ngay từ khi còn bé.  

Tình yêu sách, yêu tri thức là một trong những tính cách trẻ có thể học nhiều nhất từ chính những người thân yêu trong gia đình.

Trẻ cần đồ ăn, chỗ ở, tình yêu của ba mẹ và trẻ cũng cần sự nuôi dưỡng tâm hồn từ những cuốn sách. Niềm đam mê đọc sách chính là món quà thực sự ý nghĩa mà cha mẹ có thể tặng con bằng cách đọc sách cùng con hàng ngày.

Ba mẹ đã sẵn sàng để áp dụng cách thức nào giúp con yêu đọc sách hơn, hãy để lại bình luận bên dưới để chia sẻ cùng mình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *