Tìm kiếm
Close this search box.

Những điều cần lưu ý khi trò chuyện cùng con

   Nếu không phải là ba mẹ thì ai sẽ là người có thể trò chuyện cùng con mỗi ngày?

          Qua nhiều năm gắn bó với giáo dục phổ thông, mình đã gặp không ít những trẻ gặp phải những vấn đề về ngôn ngữ như chậm nói, ngại giao tiếp, không thể diễn đạt được ý muốn truyền đạt của mình. Tất nhiên là trong số đó có những đứa trẻ là do bẩm sinh, nhưng sẽ có những bạn là do nền tảng giáo dục tại gia đình.

         Thời gian và cách chúng ta nói chuyện hàng ngày với con, ảnh hưởng trực tiếp lên quá triển ngôn ngữ và cả cách tư duy của trẻ. Trong bài viết dưới đây, Hạnh sẽ chia sẻ với ba mẹ những điều cần chú ý khi nói chuyện hàng ngày cùng con để giúp mang lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển ngôn ngữ của con.

Nguồn ảnh: Freepik

Ba mẹ nên xây dựng những nghi thức trò chuyện trong gia đình để tạo nhiều cơ hội giúp việc trò chuyện với con diễn ra thường xuyên hơn

         Cũng giống như thói quen đọc sách ở nhà, nếu ba mẹ muốn con đọc nhiều hơn, chúng ta cần tạo ra những “nghi thức” đọc sách. Điều này cũng đúng với trò chuyện cùng con. Tùy vào hoàn cảnh và thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình, bố mẹ nên thiết lập “nghi thức” phù hợp với mình và con, nhưng cần đảm bảo rằng mình không quên trò chuyện mỗi ngày cùng con.

         Ở Mỹ, người lớn trong gia đình luôn chú tâm tới việc tạo ra cơ hội giao tiếp với trẻ hàng ngày. Tại trường The Ivy School, nơi mình đang công tác, việc dành thời gian trò chuyện riêng với mỗi trẻ hàng ngày là điều tiên quyết, bởi trò chuyện không chỉ giúp trẻ xây dựng nền tảng ngôn ngữ cần thiết, và hơn hết là xây dựng sự gắn kết với trẻ.

        Buổi tối trước khi cháu trai Kota của chúng mình đi ngủ, chị Dylan và anh Matt sẽ thay nhau vào phòng để chúc cháu ngủ ngon. Trong thời gian đó, hai anh chị trò chuyện cùng cháu, ôn lại các việc trong ngày đã làm như một nghi thức không thể thiếu trước khi cháu ngủ.

      Mình còn thấy một số gia đình bên này thường tổ chức một cuộc đi tản bộ buổi sáng cùng nhau mỗi tuần. Khi đó thì cả gia đình sẽ cùng nói chuyện về một tuần đã qua, ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ, cũng như xây dựng kế hoạch cho tuần tới.

       Những nghi thức trò chuyện không chỉ giúp con phát triển ngôn ngữ mà còn giúp con và ba mẹ thêm gắn kết. 

Ba mẹ cần phải thật sự lắng nghe, tôn trọng và chấp nhận cảm xúc của con trong các cuộc hội thoại

       Khi giao tiếp với trẻ, có nhiều ba mẹ không thực sự đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận, mà thường áp đặt góc nhìn của mình lên cách nhìn nhận sự việc của trẻ. Điều này hoàn toàn không đúng vì ta và con là hai cá thể khác nhau, hai thế hệ cùng hai hệ thống cảm xúc hoàn toàn khác biệt.

       Khi không thực sự lắng nghe cảm xúc bên trong những câu nói của trẻ, các câu hỏi của chúng ta sẽ như là một cuộc điều tra đối với trẻ.

       Chúng ta càng hỏi nhiều, trẻ sẽ càng thu mình lại. Nếu muốn trẻ trò chuyện với ta, người lớn cần chấp nhận những điều trẻ nói, lắng nghe và tôn trọng điều mà trẻ cảm nhận. Hãy để con thấy được ba mẹ đã nghe và hiểu được điều đó.

      Hãy dùng các điệu bộ, cử chỉ như đồng tình, gật đầu, hay với một số từ cảm thán “Wow”, “Oh”, “Ah”…hay thực sự phản hồi lại và cho con thấy được mình đang lắng nghe nội dung con đang chia sẻ, sẽ khiến con tự tin khi hơn chia sẻ câu chuyện và cảm xúc của con với bạn. 

 Cha mẹ hãy ngừng hỏi những câu hỏi chỉ để lấy đáp án

Nguồn ảnh: Freepik

        Mình thường thấy nhiều ba mẹ hỏi con những câu hỏi kiểu như: “Chỉ vào cái gì màu vàng cho mẹ nào?”, “Cái gì đây nhỉ?”, “Bây giờ là mấy giờ?”.

      Và sau khi đứa trẻ phản hồi, ba mẹ sẽ tiếp tục nói: “Tốt lắm!”, “Chưa đúng rồi, nói lại nào!”.

      Sự tương tác giữa con và cha mẹ lúc này giống như làm bài kiểm tra đúng sai, nó hoàn toàn không phải trò chuyện. 

       Tất nhiên việc ba mẹ hỏi những câu hỏi như trên đều với mục đích tăng cường vốn từ vựng cho con. Điều này không hề sai, tuy nhiên chúng ta nên có cách tốt hơn để làm điều này.

        Ba mẹ có thể giúp con làm giàu vốn từ song song với việc giúp làm giàu vốn sống cho trẻ. Khi dạy trẻ về con vật, thay vì hỏi con “Đây là con gì”, hãy nói cho con về cách con vật kêu, kiếm thức ăn, nơi nó ở, và lợi ích của nó cho cuộc sống con người như thế nào. Con chắc chắn sẽ hào hứng và hỏi thêm chúng ta nhiều câu hỏi khác nữa.

        Một lần cháu Kota đến nhà mình chơi, thấy trên giá sách có mô hình hai nhân vật hoạt hình – Người dơi và Nhà Khoa học điên Dexter.

KOTA: Cháu có thể mượn chúng được không ạ?

TÔI: Được chứ! Họ là ai nhỉ, cháu có biết họ không?

KOTA: Là người dơi và nhà bác học điên ạ.

TÔI: Cháu thích ai nào?

KOTA: Người dơi là một người tốt ạ.

TÔI: Tại sao cháu biết người dơi là người tốt vậy?

KOTA: Người dơi giúp đỡ mọi người, còn nhà bác học điên thì là một người rất xấu ạ!

TÔI: Oh, thì ra là thế hả, thế chúng ta cùng giúp người dơi cứu người nào…

Sau đó hai dì cháu cho người dơi bay khắp nhà, vừa chơi Kota vừa tiếp tục kể chuyện người dơi đang làm gì, đang bay tới đâu, và Kota đang thực sự chơi với ngôn ngữ như thế đó.

Ba mẹ không nên ngừng hoặc giảm trò chuyện với con khi con bắt đầu đi học ở trường

        Khi con còn nhỏ, chưa thể nói, hoặc đang tập nói, ba mẹ và người lớn xung quanh có xu hướng trò chuyện thường xuyên cùng trẻ như một phản xạ khá tự nhiên.

       Tuy nhiên khi trẻ tới độ tuổi đi học, ba mẹ thường coi nhẹ việc tiếp tục trò chuyện hàng ngày cùng con. Có thể ba mẹ đơn giản nghĩ rằng khi trẻ đi học thì cần tập trung nhất là kỹ năng đọc và viết thôi, hay là con ở trường đã nói chuyện với bạn bè, thầy cô đủ rồi.

      Nhưng liệu luyện tập kỹ năng đọc viết riêng lẻ có mang lại đủ nền tảng, kỹ năng học tập cần thiết cho trẻ? Và thời lượng con giao tiếp với bạn bè và thầy cô ở trường liệu có đủ? 

        Việc học ở trường hỗ trợ rất ít cho việc phát triển khả năng giao tiếp bằng ngôn từ của trẻ. Mỗi chúng ta khi đi học phần lớn chủ yếu đều trong vai trò thu nhận kiến thức, cố gắng trả lời các câu hỏi và thực hiện các yêu cầu của giáo viên. Chưa nói tới một số học sinh rụt rè, chưa tự tin, có xu hướng thu mình lại, liệu trong lớp học, trẻ có nhiều cơ hội được phát biểu, được thể hiện quan điểm của mình.

       So với việc giao tiếp thường xuyên với người lớn ở nhà, con sẽ có ít hơn những cơ hội được sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt suy nghĩ, thực hành các cấu trúc câu linh hoạt ở trường học.

      Với con trẻ, sẽ chẳng nơi đâu bằng nhà cả!

      Hành trình làm cha mẹ là một hành trình dài và bền bỉ. Nhưng mình tin với một trái tim ấm áp nhiều yêu thương, thực sự mong muốn thấu hiểu và giúp con phát triển ngôn ngữ, vốn sống, bố mẹ sẽ tìm được những cách trò chuyện phù hợp nhất với con mình.

     Mình hi vọng rằng bài viết sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong hành trình làm cha mẹ của mình. Cảm ơn vì ba mẹ đã luôn ở đó và đồng hành cùng các con!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *