Tại sao trẻ nên học song ngữ Anh-Việt từ sớm?

       Liệu có phải con học song ngữ để sau vào học cấp 1, cấp 2 cho nhàn? Con học song ngữ sớm để sau con nói tiếng Anh giống người bản ngữ? Và con học tiếng Anh sớm để sau ôn Ielts rồi tuyển thẳng cấp 3, đại học cho dễ dàng?

Mình tin đây là mục tiêu học tập của đa số rất nhiều phụ huynh khi bắt đầu quyết định hướng con học song ngữ Anh-Việt từ bé.

Tuy nhiên liệu đây là điều trẻ thực sự cần cho việc học tập và cuộc sống trong tương lai?      

Ba mẹ cần có sự hiểu biết đúng hơn về những tác dụng tích cực của học song ngữ lên trẻ, có như thế chúng ta mới có thể vững tâm kiên trì đồng hành cùng con trong nhiều năm tháng sau đó.

Trong bài viết này, mình sẽ cùng chia sẻ với ba mẹ về những lợi ích của học song ngữ lên trẻ.

1. Học song ngữ giúp tăng cường sự phát triển của não bộ

 Khi trẻ học hai ngôn ngữ cùng một lúc, não bộ của trẻ sẽ có nhiều hơn các cơ hội được “tập thể dục” mỗi ngày dựa trên các hoạt động cần phân biệt các thanh âm của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Từ đó phát triển khả năng tập trung, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng làm việc đa nhiệm.

Quan sát nhiều học sinh Mỹ và Việt Nam với những trẻ có thể song ngữ Anh -Việt, Anh – Tây Ban Nha, mình nhận thấy những bạn sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ thường có xu hướng tập trung vào nhiệm vụ được yêu cầu tốt hơn những đứa trẻ khác.

Học nhiều hơn một ngôn ngữ còn giúp trẻ tăng cường trí nhớ, giảm khả năng mắc các bệnh về trí não sau này. 

2. Trẻ sẽ sáng tạo và linh hoạt hơn

Tới bây giờ, mình hoàn toàn có thể nói rằng Tiếng Anh đã thay đổi cuộc đời mình. Sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ không chỉ giúp mình thêm tự tin trong cuộc sống và công việc, mà còn giúp mình linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa ra các phương án giải quyết vấn đề.

Nếu trẻ được cha mẹ dành thời gian đồng hành song ngữ cùng con từ sớm, thì sự linh hoạt và sáng tạo còn càng được phát huy hơn nữa. Đặc biệt trong xã hội ngày nay cần những con người sáng tạo, mang tới sự khác biệt, thì điều này cực kỳ cần thiết.

3. Trẻ nhanh nhạy hơn với ngôn ngữ và dễ dàng học thêm nhiều ngôn ngữ khác

Với trẻ có thể sử hai ngôn ngữ cùng một lúc, bất cứ ngôn ngữ nào với chúng sẽ chỉ là một hệ thống mới nhưng có thể nắm bắt được. Việc này cũng giúp trẻ có thể dễ dàng hiểu được những câu đùa, chơi chữ trong giao tiếp (viết và nói) của người bản ngữ, do đó trẻ càng tinh tế hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ. .

Sự nhanh nhạy với ngôn ngữ này cũng giúp trẻ có thể học một hay nhiều thứ tiếng khác một cách dễ dàng hơn. Mình đã gặp rất nhiều trẻ và các trường hợp bạn bè mình khá nhanh trong việc học thêm ngôn ngữ mới. Có những bạn, những trẻ nói được không chỉ ba mà có thể lên 5 , 6 ngôn ngữ. Bản thân mình, cũng tự đặt mục tiêu sẽ tự học tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Trung trong vòng năm nay tới đây.

Như thế trẻ biết hai thứ tiếng sẽ có được những lợi thế như sự phát triển về tư duy, nhanh nhạy với ngôn ngữ, tính sáng tạo và khả năng tập trung.

Tuy nhiên, có một số hiểu lầm ba mẹ cần biết rằng:

  • Việc biết hai ngôn ngữ không phải là nhân tố quyết định tới sự phát triển trong nhận thức của trẻ.
  • Những lợi ích của việc học  song ngữ kể trên được tính với trẻ đã sử dụng tương đối thành thạo hai ngôn ngữ. Nói cách khách, chúng ta không tính đến những trẻ mới dừng lại ở mức kỹ năng cơ bản như đếm từ 1 đến 10, hay nói Hello, Goodbye.
  • Trẻ xem TV hằng ngày hay tham gia các lớp học ngắn một, hai lần/tuần là không đủ để trẻ có thể có được những lợi thế trên. Việc trẻ có cơ hội tiếp xúc với sách truyện, những văn bản đọc viết phong phú, hay có nhiều cơ hội tương tác thực tế sử dụng ngôn ngữ thứ hai đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Ba mẹ hãy đảm bảo rằng những yếu tố này cần luôn nằm trong kế hoạch dạy trẻ song ngữ tại nhà của mình.
  • Để trẻ có thể sống tốt trong một thế giới có nhiều sự thay đổi như hiện nay thì sự linh hoạt trong tự duy, tính tập trung, nhanh nhạy về ngôn ngữ, sáng tạo thôi thì chưa đủ. Và để trẻ có thể tự tin bước ra môi trường toàn cầu còn là sự hiểu biết về đa văn hóa, và tư duy phản biện khi nhìn nhận sự vật, sự việc con người.

4. Học một ngữ mới giúp mở rộng thế giới quan cho trẻ

Đạo diễn và biên kịch nổi tiếng người Ý Federica Fellini đã từng nói “A different language is a different vision of life.” (Tạm dịch: Một ngôn ngữ khác là một cách nhìn cuộc sống khác.) Để hiểu sâu sắc về con người, văn hóa của một đất nước, chúng ta cần học ngôn ngữ của họ.

Nguồn ảnh: Rawpixel, Freepik

Khi còn ở Việt Nam, công việc chính của mình là quản lý chương trình và phòng giáo viên nước ngoài. Một môi trường đa văn hóa, nơi mà những người mình quản lý đến từ nhiều đất nước khác nhau: Anh, Mỹ, Nam Phi, Philippines , Canada, Úc. Chính khả năng thích ứng nhanh, tư duy mở, có sự trải nghiệm văn hóa phương Tây cũng như sự thấu hiểu và nhìn nhận sự việc, con người ở nhiều khía cạnh đã giúp mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ dù đôi khi không phải là không có những khó khăn nhỏ.

Trẻ nói song ngữ thường có thái độ tích cực khi nhìn nhận về con người, văn hóa của nhiều nền văn hóa khác biệt với văn hóa dân tộc mình. Bởi thế, trẻ sẽ thêm tự tin vào bản thân và dễ dàng kết bạn với bạn bè quốc tế sau này.

 5. Trẻ rèn luyện tư duy phản biện, dễ dàng thay đổi và thích ứng với mọi hoàn cảnh sống

Mỗi một ngôn ngữ sẽ có những thanh âm, sự sắp xếp và phân loại từ loại khác nhau. Do đó trẻ học nhiều hơn một ngôn ngữ thường sẽ nhìn nhận sự khác biệt trong sự vật, hiện tượng một cách dễ dàng hơn. Lúc này tư duy phản biện của trẻ được phát triển.

 Khi có một tư duy phản biện tốt, trẻ hiểu được rằng quan điểm mình không tốt hơn cũng không tệ hơn quan điểm của người khác, chỉ là mỗi người đều có những cách nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau mà thôi.

Khi trẻ hiểu được như thế, trẻ có thể đánh giá và tìm ra cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề, thay vì khăng khăng với quan điểm và phương án của mình. Cũng do thế, mà người có thể nói được hai hay nhiều thứ tiếng có khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau và không ngại thay đổi để hòa hợp.

Nhà triết học ngôn ngữ Ludwig Wittgenstein từng nói: “The limits of my language mean the limits of my world.” (Được hiểu là Sự giới hạn về ngôn ngữ của tôi cũng là sự giới hạn hiểu biết của tôi về thế giới.) Ba mẹ hãy là người chỉ dẫn, là người thầy quan trọng giúp con có thể chạm được tới cơ hội để mở rộng thế giới còn nhỏ bé của con nha.

Rồi đây, với con cả thế giới là nhà.    

Đọc thêm:

Những ngộ nhận về học song ngữ ở trẻ, đâu mới là cái nhìn đúng? (Phần 1)

Những ngộ nhận về học song ngữ ở trẻ, đâu mới là cái nhìn đúng? (Phần 2)

4 bí quyết giúp con phát triển ngôn ngữ ngay từ bé

2 bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *