Tìm kiếm
Close this search box.

Tại sao trò chuyện hàng ngày quan trọng tới cuộc sống sau này của trẻ?

Với con trẻ thì tình yêu chính là thời gian ba mẹ dành cho chúng.

To a child, love is spelled T-I-M-E.

 Cô hiệu trưởng trường học tôi đang làm việc tại Mỹ đã từng nói trong buổi họp chuyên môn: “We need our kids to talk. After all, our children can’t think with their mouths closed.” (Chúng ta cần những đứa trẻ nói. Và sau tất cả, con trẻ không thể suy nghĩ nếu chúng cứ không nói gì.). Câu nói đã giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc nói chuyện hàng ngày với trẻ. Theo mình có ba lý do chính việc nói chuyện hàng ngày với trẻ quan trọng cho quá trình phát triển của trẻ, cũng như ảnh hưởng tích cực lâu dài tới cuộc sống sau này của trẻ.

Nguồn ảnh: Thiago Cerqueira, Unsplash

Nói chuyện hàng ngày với trẻ giúp trẻ có xu hướng học tập và trải nghiệm tốt hơn

Như câu chuyện về cháu trai Kota mà mình kể rất nhiều trên blog này. Hằng ngày, Kota được bố mẹ và các chị thường xuyên hỏi chuyện. Không chỉ vậy, bà ngoại Serena cũng dành thời gian ít nhất một ngày trong tuần cho riêng cháu. Khi thì đón Kota về nhà ông bà vào cuối tuần để cùng nấu ăn, dọn dẹp, đọc sách và dạo chơi quanh đồi. Khi thì bà sẽ đón Kota sớm từ trường học để cùng khám phá thành phố. Bà và Kota có thể bắt đầu câu chuyện ngay khi gặp mặt. Cuộc nói chuyện giữa hai bà cháu có thể diễn ra tại trường học nơi bà đến đón cháu, trên oto khi di chuyển, tại siêu thị, thư viện hoặc bất cứ nơi đâu mà hai bà cháu cùng nhau tới.

Kota bởi thế luôn biết đặt câu hỏi, khả năng nói chuyện, tương tác và hoạt ngôn rất tốt với người lớn. Con có thể hiểu và sử dụng nhiều khái niệm phong phú khi giao tiếp dù mới chỉ vừa mới tròn ba tuổi.

Rachel Romeo, một giáo sư về phát triển ngôn ngữ và thần kinh học tại đại học Maryland College Park, Mỹ đã chỉ ra trong một nghiên cứu rằng những đứa trẻ có thời lượng giao tiếp nhiều hơn và với ba mẹ của mình có xu hướng giỏi hơn ở các nhiệm vụ cần hiểu ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng học tập lâu dài của trẻ. Để học đọc, học viết, để học tất cả các kiến thức nền tảng và nâng cao, trẻ cần ngôn ngữ.

 Khi trẻ còn bé và chưa thể giao tiếp nhiều, chúng ta có thể hỗ trợ trẻ bằng cách nói chuyện cùng con dưới dạng thức lời dẫn giải như “Chúng ta hãy cùng ăn sáng nhé!”, “Đây là cháo của con.”, “Đây là sữa của con.”, “Đây là bánh mì và bơ của mẹ nè.”

 Khi trẻ lớn hơn và bắt đầu giao tiếp được nhiều hơn, ba mẹ có thể khơi gợi cho trẻ diễn giải những trải nghiệm bằng vốn ngôn từ mà trẻ có. Ba mẹ có thể hỏi con khi con đang chơi. “Con đang định làm gì với những chiếc nồi và chảo đó?”, “Con sẽ làm gì với những món đồ con có trong tay?”

Sau này khi con lớn hơn và có thể giao tiếp câu đầy đủ, phụ huynh có thể trò chuyện với con bằng cách khuyến khích con kể lại những sự kiện trong ngày với những câu hỏi như “Con đã làm gì ở công viên hôm nay thế?”, “Có điều gì ở chuyến đi chơi con muốn chia sẻ với mẹ không nào?”, “Hôm nay ở trường con đã gặp những ai?”

Việc khuyến khích trẻ diễn giải hành động cũng như kể lại các hoạt động mình đã trải nghiệm sẽ giúp trẻ luyện tập và sử dụng đa dạng các từ vựng cũng như mẫu câu khác nhau.

Bằng việc giao tiếp nói chuyện cùng con hằng ngày, chúng ta đã giúp con có thêm nhiều cơ hội để phát triển khả năng ngôn ngữ, đặt nền móng cho kỹ năng đọc – viết – nói – nghe, cùng cách tư duy và sự hỗ trợ cho việc học tập trên trường của trẻ.

Nói chuyện hàng ngày với trẻ là cơ hội để hướng trẻ đến những bài học nhân sinh quan về cách sống đẹp

Đôi khi người lớn thưởng hay vội trách trẻ con không hiểu chuyện, và trẻ khác với chúng ta ngày xưa… Nhưng liệu ba mẹ có nghĩ rằng ba mẹ nợ trẻ những câu chuyện “ngày xưa” ấy để con có thể hiểu chuyện hơn?

Nhà ngôn ngữ học Margaret Meek đã viết về lợi ích của những câu truyện như sau trong cuốn sách On being Literate: “Những câu chuyện tạo nên những ký ức đầu đời cho mỗi người. Từ những câu chuyện bạn được nghe khi còn bé, chúng sẽ được kế thừa cách chúng ta thể hiện cảm xúc, kế thừa những giá trị chúng ta tin là quan trọng và những điều chúng ta tin là chân lý….”.

Những câu chuyện về những người anh hùng trong gia đình sẽ dạy trẻ về sự cần thiết của những hành động dũng cảm. Những câu chuyện về khoảng đời thiếu thốn, gian khổ sẽ dạy trẻ về việc cần đoàn kết để vượt qua khó khăn. Hiểu được giá trị của đức tính kiên trì và sự chăm chỉ, biết trân quý những may mắn, đủ đầy trong hiện tại.

Mình vẫn nhớ câu chuyện về em trai liệt sĩ của ông nội. Nhớ câu chuyện chàng thanh niên 17 tuổi trở thành chiến sĩ bảo vệ thủ đô của ông nội. Rồi chuyện cuối tuần nào bố mình cũng đạp xe từ Ninh Bình về thăm nhà trong hơn 2 năm học trung cấp ở đó. Những câu chuyện đó chắc chắn sẽ còn được mình kể lại cho các con của mình sau này.

Nói chuyện hàng ngày là cơ hội giáo dục trẻ vô cùng quý giá. Thông qua những câu chuyện đẹp, ba mẹ có thể gửi gắm những bài học ý nghĩa hay một cách nhìn nhận đúng hơn về vấn đề mà con đang gặp phải.

Khi trò chuyện với trẻ, cách chúng ta hồi đáp lại câu chuyện, lời tâm sự của trẻ là một cơ hội để giáo dục nếp sống cho con. Hãy khen ngợi con cho những hành động, việc làm đẹp, và cho con những cái nhìn đúng hơn về những hành động chưa đẹp, cần thay đổi.

Nguồn ảnh: Jimmy Dean, Unsplash

 Nói chuyện hàng ngày với trẻ giúp gắn kết mối quan hệ của bạn với trẻ

 Nhiều khi ba mẹ hỏi, nhưng con đôi khi lại thấy không muốn chia sẻ và từ chối trả lời.

Thay vì tìm cách hỏi một câu hỏi khác để khơi gợi con trả lời, đa phần bạn chọn cách chấp nhận và từ bỏ. Việc này là hoàn toàn không nên.

Trẻ cũng như ta, có thể có rất nhiều thứ xảy đến trong một ngày.  Như việc con đã làm tốt một việc mà trước đó, con chưa từng làm được. Hoặc có thể con bị trêu đùa thậm chí bị dọa dẫm bởi bạn học hoặc ai đó. Có thể là con gặp khó khăn với một môn học nào đó ở trường, chưa biết cách phát âm đúng từ mới này hay chưa biết làm phép toán kia.

Và chúng ta lại chọn không được nghe điều đó!

 Nhiều năm sau, khi con bắt đầu trưởng thành, con sẽ phải đối diện với nhiều quyết định, lựa chọn quan trọng hơn trong cuộc đời. Đó có thể là thuốc lá, rượu, tình dục và bạo lực. Tới lúc đó ba mẹ sẽ nhận ra, thật khó để có cơ hội ngồi và nói chuyện với con về những vấn đề đó. Liệu con có dễ dàng mở lòng và cởi mở để giao tiếp với ta về những vấn đề trên,  nếu con vốn đã quen với việc ít trò chuyện cùng ba mẹ.

Sự kết nối trong giao tiếp giữa ta và con bởi thế phải được xây dựng từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, còn bé xíu, bắt đầu vào mẫu giáo, tiểu học chứ không phải đợi tới lúc ta cần nói chuyện với trẻ là trẻ có thể sẵn sàng tin tưởng và tâm sự cùng ta.

Thời gian chất lượng cùng con là thứ mà con thực sự cần từ ba mẹ.

Chúng ta vẫn có thời gian đi uống cà phê, nói chuyện điện thoại, không bỏ lỡ bất cứ bộ phim yêu thích nào, nhưng lại không tìm được thời gian để nói chuyện với con.  

Ba mẹ có biết rằng mỗi việc chúng ta làm hàng ngày – nấu ăn, giặt quần áo, đi siêu thị, tắm rửa, chăm sóc cây cối đều có thể là cơ hội để phát triển ngôn ngữ và giáo dục nhân cách cho trẻ.

Bạn đang dành bao nhiêu thời gian trong quỹ thời gian một ngày của mình để thực sự trò chuyện và kết nối với con?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *